1. Tâm thần phân liệt là gì?

Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần mãn tính và cần điều trị suốt đời. Bệnh này không hiếm gặp, khoảng 1% dân số mắc bệnh tâm thần phân liệt, nam giới dễ bị hơn nữ giới và có khả năng gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Tâm thần phân liệt làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm giác, cảm xúc, nhận thức và hành vi của người bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả các chức năng này đều bị xáo trộn cùng lúc và ở mức độ như nhau. Nhiều người bị tâm thần phân liệt có thể cư xử hoàn toàn bình thường trong một thời gian dài, nên hầu hết bệnh nhân không hiểu hoặc thừa nhận họ mắc bệnh.
2. Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt là gì?
Tâm thần phân liệt rất khó chẩn đoán và các triệu chứng ban đầu thường khó phát hiện. Bệnh khởi phát từ từ, kéo dài. Trong nhiều trường hợp, bệnh diễn ra một cách ngấm ngầm và dần dần đến nỗi những người mắc bệnh và gia đình có thể mất nhiều thời gian để phát hiện ra bệnh. Ngoài ra, nhiều triệu chứng tâm thần phân liệt có thể xảy ra vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của một người ngay cả khi họ không mắc bệnh tâm thần.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần phân liệt bao gồm:
- Mất cảm xúc hoặc động lực
- Thờ ơ hoặc trầm cảm
- Giảm chú ý hoặc hiệu suất
- Thiếu vệ sinh cá nhân
- Ẩn dật, xa lánh bạn bè, người thân hoặc các hoạt động yêu thích trước đây…
Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể có các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh.
Các triệu chứng phổ biến nhất là:
- Ảo tưởng: Là triệu chứng phổ biến nhất, xảy ra ở hơn 90% bệnh nhân. Thông thường, người bệnh thường xuyên lo sợ bị người khác ngược đãi hoặc làm hại.
- Ảo giác: Tức là nhìn, nghe, ngửi hoặc cảm nhận những sự vật không có thực mà người khác không thể hiểu được.
- Suy nghĩ lộn xộn: Giao tiếp trở nên khó khăn, nói năng không mạch lạc.
- Hành vi bất thường: Phản ứng với các tình huống một cách thờ ơ hoặc không phù hợp.
- Không thể hiện cảm xúc: Không thể hiện hoặc đáp lại cảm xúc.

3. Các yếu tố nguy cơ của bệnh tâm thần phân liệt là gì?
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tâm thần phân liệt, mà bệnh được cho rằng do một số yếu tố khác nhau phối hợp gây ra.
Di truyền học: Bệnh tâm thần phân liệt có thể di truyền, nhưng không phải ai cũng mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh tăng lên đến 12% nếu có tiền sử gia đình.
Môi trường: Các yếu tố môi trường bao gồm môi trường căng thẳng hoặc nguy hiểm và tiếp xúc với virus hoặc các vấn đề dinh dưỡng trước khi sinh, góp phần thúc đẩy sự xuất hiện bệnh.
Cấu trúc và chức năng của não: Những người mắc bệnh này có sự khác biệt về kích thước và kết nối giữa các vùng não, một số khác biệt có thể phát triển trước khi sinh.
4. Bệnh tâm thần phân liệt được điều trị như thế nào?
Hiện nay phương pháp điều trị hiệu quả nhất bệnh tâm thần vẫn là kết hợp sử dụng thuốc chống loạn thần và phục hồi chức năng tâm lý, xã hội cho bệnh nhân.
Thuốc chống loạn thần
Đa phần các thuốc chống loạn thần góp phần điều chỉnh các chất hoá học trong não.
- Các thuốc chống loạn thần cổ điển: Aminazine, Haloperidol…
- Thuốc chống loạn thần thuộc thế hệ mới: Risperidone, Olanzapine… hiệu quả cao hơn, ít tác dụng phụ hơn các thuốc loại cổ điển, nhờ đó góp phần làm bệnh nhân yên tâm điều trị lâu dài.
Nhờ sử dụng các loại thuốc chống loạn thần, nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể được điều trị ngoại trú và sống trong gia đình và xã hội thoải mái hơn. Tuy nhiên, việc ngưng uống thuốc cần phải có sự đồng ý của bác sĩ tâm thần.
Phục hồi chức năng tâm lý xã hội
Phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân là biện pháp vô cùng hữu hiệu trong phối hợp điều trị tâm thần phân liệt, đôi khi, có thể tháo gỡ mắt xích là tác nhân tăng nguy cơ gây bệnh ở bệnh nhân.
Các biện pháp tâm lý giúp:
- Phục hồi khả năng tiếp xúc của người bệnh với xã hội, với mọi người chung quanh, cải thiện khả năng làm việc và học tập.
- Giúp gia đình bệnh nhân hiểu rõ hơn về bệnh tâm thần phân liệt, về cách điều trị và các tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần, và cách cư xử thích hợp với bệnh nhân.
- Giúp mọi người xung quanh có cái nhìn đúng đắn về loại bệnh này để mọi người chung quanh bệnh nhân thông cảm với bệnh nhân hơn. Tâm thần phân liệt cũng là bệnh, và bệnh nhân cần được quan tâm cũng như điều trị như những loại bệnh mạn tính, cần điều trị lâu dài như bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp…
Bệnh tâm thần phân liệt không chỉ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bị bệnh mà còn có thể gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Do đó, khi phát hiện ra người thân có những biểu hiện tâm thần, dù nhẹ, người nhà cũng nên đưa bệnh nhân đi khám ngay để có phương pháp điều trị, thuốc cũng như các biện pháp tâm lý cần thiết.
5. Tôi có thể tìm trợ giúp cho người bệnh tâm thần phân liệt bằng cách nào?
Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần là rất quan trọng và cần được quan tâm một cách nghiêm túc. Cần chuẩn bị các thông tin chi tiết về tình trạng sức khoẻ và tâm lý để các chuyên gia có thể đưa ra giải pháp phù hợp nhất. Khi giúp đỡ người bệnh, cần có tình yêu thương và sự thông cảm để giúp đỡ họ vượt qua khó khăn này. Bên cạnh đó, cần chăm sóc bản thân để tránh bị ảnh hưởng bởi tình trạng của người bệnh.
Khi đối diện với một người bị rối loạn tâm thần, chúng ta có thể cảm thấy bối rối và không biết làm thế nào để giúp đỡ họ. Tuy nhiên, có một số điều mà chúng ta có thể làm để hỗ trợ họ.
- Khuyến khích họ điều trị và tiếp tục điều trị để có thể cải thiện tình trạng của mình.
- Cần nhớ rằng niềm tin hoặc ảo giác của họ dường như rất thật đối với họ, vì vậy cần tôn trọng và hỗ trợ họ một cách tử tế. Nhưng không nên dung thứ cho hành vi nguy hiểm hoặc không phù hợp.
- Tìm kiếm các nhóm hỗ trợ và các chương trình giáo dục gia đình để giúp đỡ người bị rối loạn tâm thần và gia đình của họ.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các địa chỉ hỗ trợ, Càn Nguyên sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời để bắt đầu. Tại đây, bạn sẽ được giới thiệu đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần có trình độ cao và kinh nghiệm trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt, bao gồm cả bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Hãy để Càn Nguyên giúp bạn trong hành trình này.