Nghiện chất là gì?
Nghiện chất là trạng thái phụ thuộc vào một số chất, bao gồm cả chất cấm và không cấm, có tác động lên hoạt động tâm thần của con người. Các loại chất này có thể là ma túy (cần sa, cocain, heroin, thuốc lắc, ma túy đá), rượu, nicotine, caffein, thuốc ngủ và thuốc giảm đau (morphin)…

Chất gây nghiện không chỉ có tác hại đối với cá nhân sử dụng mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Người nghiện có thể trở nên nguy hiểm và phạm tội ác, gây hại đến an ninh trật tự xã hội. Vì vậy, các bạn trẻ cần tránh sử dụng các chất gây nghiện và phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc và giáo dục con em mình để phòng ngừa nguy cơ sa vào con đường nghiện ngập các chất gây nghiện.
Nguyên nhân gây ra tình trạng lạm dụng chất gây nghiện

Nguyên nhân cá nhân
- Tâm lý xã hội: Rượu và các chất gây nghiện thường được sử dụng để giảm căng thẳng nội tâm. Căng thẳng này xảy ra khi tự nhận thức của một người bị đe dọa bởi những kinh nghiệm trái ngược với nó trong thực tế. Việc sử dụng các chất gây nghiện thường được quan sát ở những người có tính cách quá tự yêu mình.
- Nghĩ rằng mình đã trưởng thành: Để chứng tỏ “Tôi đã lớn”, “Tôi có thể giải quyết mọi việc”, các thanh thiếu niên thường uống rượu, hút thuốc và dùng ma túy.
- Tò mò: Trẻ ở tuổi dậy thì được tự chủ và ít bị giám sát hơn. Mong muốn khám phá những điều mới lạ tăng lên mạnh mẽ khiến các em muốn thử một lần. Tuy nhiên, việc muốn thử nhiều lần có thể dẫn đến nghiện.
- Tự chữa lành vết thương: Bằng cách dùng chất nghiện để giải tỏa khi gặp chuyện buồn. Tuy nhiên, điều này có thể gây nguy hiểm cho những người mắc bệnh trầm cảm, đặc biệt là khi xung quanh là những người có hoàn cảnh chán nản giống mình. Việc sử dụng các chất gây nghiện như rượu để “trốn thoát” khỏi các triệu chứng của bệnh sẽ khiến cho bệnh trở nên tồi tệ hơn.
- Nổi loạn: nguyên nhân này cũng gặp ở trẻ vị thành niên hoặc thanh thiếu niên, chỉ vì muốn khẳng định sự trưởng thành và kiểm tra sự chịu đựng của cha mẹ.
- Thiếu hiểu biết: đặc biệt là ở giới trẻ chưa biết rõ về hậu quả và các tệ nạn xã hội của những chất kích thích đem lại.
- Thiếu tự tin: những chất kích thích sẽ giúp họ làm những việc mà thường ngày họ không dám làm.
Nguyên nhân do di truyền
Nguyên nhân từ di truyền được cho là một trong những yếu tố đóng vai trò trong việc dẫn đến lạm dụng chất gây nghiện. Tuy nhiên, việc nghiện chất trong những trường hợp có người nghiện trong gia đình có thực sự được di truyền lại hay chỉ là bắt chước vẫn chưa được xác định rõ.
Nguyên nhân xã hội
- Văn hóa: Rượu trong nhiều nền văn hóa là một chất gây nghiện được xã hội công nhận, có thể dễ dàng kiếm được, rẻ tiền và đã hoàn toàn đi vào đời sống hằng ngày.
- Truyền thông: Ngày nay, sự ảnh hưởng của truyền thông là vô cùng to lớn. Có thể thấy hình ảnh quảng cáo bia rượu, thuốc lá xuất hiện nhiều ở nơi công cộng, thậm chí những cảnh quay hút chích ma túy trên truyền thông cũng sẽ để lại sự tò mò muốn dùng thử của nhiều người.
- Áp lực từ bạn bè: Khi bạn bè mời bia rượu, hay dùng lời lẽ khiêu khích để thử thách dùng những chất “mới mẻ” như ma túy, cần sa, nhiều người sẽ ngại không dám từ chối vì tâm lí mọi người luôn muốn hòa nhập với bạn bè xung quanh.
Điều trị và biện pháp ngăn ngừa nghiện chất
Nghiện chất là một rối loạn mãn tính và khả năng tái phát cao. Tuy nhiên, nghiện có thể được điều trị và quản lý tốt bằng cách kết hợp thuốc và liệu pháp hành vi.
- Điều trị y tế: Sử dụng thuốc giảm triệu chứng, điều trị thay thế và điều trị bằng tâm lý để giúp người nghiện vượt qua giai đoạn khủng hoảng và phục hồi sức khỏe.
- Hỗ trợ xã hội: Cung cấp hỗ trợ tài chính, việc làm, giáo dục và đào tạo để giúp người nghiện tái nhập cuộc sống.
- Hỗ trợ tâm lý: Giúp người nghiện thay đổi hành vi và suy nghĩ sai lầm liên quan đến sử dụng chất gây nghiện.
- Hỗ trợ từ cộng đồng: Tham gia vào các hoạt động của cộng đồng để giúp người nghiện có một môi trường ủng hộ, giúp đỡ trong quá trình phục hồi sức khỏe và tái nhập cuộc sống.
Ngăn ngừa nghiện chất là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người sử dụng, gia đình và cộng đồng, cũng như giảm thiểu chi phí cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội. Các biện pháp ngăn ngừa nghiện chất bao gồm:
- Giáo dục: Cung cấp thông tin về các rủi ro và hậu quả của sử dụng chất gây nghiện, giúp người trẻ hiểu được tác động tiêu cực của chất gây nghiện đến sức khỏe và cuộc sống của họ.
- Tiếp cận cộng đồng: Tạo ra môi trường an toàn và hỗ trợ cho người trẻ để họ không phải đối mặt với áp lực của sử dụng chất gây nghiện.
- Giảm thiểu rủi ro: Cung cấp các hoạt động giải trí và thể dục thể thao để giúp người trẻ giảm thiểu áp lực và stress trong cuộc sống.
- Giám sát: Gia đình, giáo viên và chăm sóc sức khỏe cần giám sát việc sử dụng chất gây nghiện của người trẻ để phát hiện và can thiệp kịp thời.
- Phòng ngừa tái phát: Sau khi điều trị thành công, người nghiện cần được hỗ trợ để tránh tái phát nghiện chất.
Hỗ trợ người nghiện chất bằng cách nào?

Để người nghiện chất có thể được điều trị, đặc biệt là phục hồi, công tác hỗ trợ xã hội cần có đối với họ chủ yếu bao gồm:
- Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông qua khích lệ động viên một cách có hiểu biết về các vấn đề sức khỏe có liên quan;
- Hỗ trợ cá nhân: học nghề, tìm – tạo việc làm…;
- Hỗ trợ gia đình người nghiện ma túy: giảm bớt căng thẳng cho gia đình, nâng cao vai trò của gia đình trong việc giúp đỡ người thân nghiện ma túy tham gia điều trị nghiện và phục hồi;
- Hỗ trợ các nhóm, bao gồm các nhóm có cùng đặc điểm và sở thích (nhóm đồng đẳng) trong điều trị, phục hồi, hỗ trợ pháp lý, huy động sự tham gia của cộng đồng,….
Trong một số trường hợp, bạn có thể muốn xem xét việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa để có cách tiếp cận tốt nhất.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các địa chỉ hỗ trợ, Càn Nguyên sẽ là sự lựa chọn tốt để bắt đầu. Tại đây, bạn sẽ được giới thiệu đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần có trình độ cao và giàu kinh nghiệm, bao gồm cả bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Hãy để Càn Nguyên giúp bạn trong hành trình này.